Ông Phan Văn Vĩnh hối hận vì hệ lụy của vụ án đánh bạc nghìn tỷ Chiều 19/11, bị cáo Phan Văn Vĩnh có phần trả lời công khai trước HĐXX cùng các thành viên viện kiểm sát, luật sư.
Chiều 19/11, HĐXX bắt đầu xét hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát).
Trước bục khai báo, ông Vĩnh đều “Dạ, thưa HĐXX” khi trả lời các câu hỏi của chủ tọa. Người lớn tuổi nhất trong số 92 bị cáo hầu tòa đứng chắp tay phía trước, trả lời một cách từ tốn, nói to và rõ ràng.
Ông Phan Văn Vĩnh: Bị cáo thấy rất thấm thía, ân hận
Hai tay đan vào nhau, ông Vĩnh xin đứng trước bục khai báo để trình bày, nếu có dấu hiệu về sức khỏe sẽ xin ngồi để trả lời HĐXX.
Thừa nhận việc bị việc kiểm sát truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nói ông rất day dứt và hối hận nghe 90 bị cáo trả lời thẩm vấn trong 6 ngày qua.
“Bởi vì 92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã bị lâm vào lao lý. Không những vậy, nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu người khác ngoài xã hội cũng liên lụy. Chắc chắn giờ này, họ đã và đang có những đau khổ. Như vậy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội, gây ra bất an. Bị cáo thấy rất thấm thía, ân hận”, ông Vĩnh nói với chức vụ Tổng cục trưởng, chỉ huy cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm, lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn để vụ án không xảy ra.
Ông Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa xét xử 92 bị cáo. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Về mối quan hệ với các bị cáo trong vụ án, ông Phan Văn Vĩnh nói ông là Tổng cục trưởng, cấp trên của Nguyễn Thanh Hóa. Suốt 8 năm hoạt động, ông và cựu Cục trưởng C50 chưa từng có mâu thuẫn.
Với Nguyễn Văn Dương, hai bên cũng không có mâu thuẫn cá nhân. Năm 2011, ông Vĩnh biết Dương khi chia tay Nam Định lên nhận nhiệm vụ ở Bộ Công an. Dương phụ trách công ty nghiệp vụ, là đối tác thực hiện nhiệm vụ C50 chỉ đạo.
Vì sao CNC được chọn làm công ty nghiệp vụ của C50?
Ông Phan Văn Vĩnh khai khi về nhận nhiệm vụ Tổng cục trưởng, C50 đã được thành lập và hoạt động và có thẩm quyền được thành lập công ty nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Vì sao Tổng cục cảnh sát lựa chọn công ty của Nguyễn Văn Dương làm công ty nghiệp vụ? Ông Vĩnh trả lời, trong công cuộc chiến đấu với tội phạm, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao thì C50 được phép tổ chức thực hiện đơn vị nghiệp vụ. Việc C50 sử dụng công ty nghiệp vụ là đúng với quy định của lãnh đạo Bộ.
Chủ tọa vội ngắt lời và nhắc lại câu hỏi. Lúc này, ông Vĩnh nói, trước khi chọn CNC, Ban thường vụ đảng ủy Tổng cục cảnh sát đã thảo luận và thống nhất, lập tờ trình căn cứ vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
“92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã bị lâm vào lao lý. Không những vậy, nghiêm trọng hơn, hàng triệu triệu người khác ngoài xã hội cũng liên lụy”, ông Vĩnh nói trước tòa chiều 19/11. Ảnh: Việt Linh.
Sau khi xét các điều kiện có được, C50 đã báo cáo xin thành lập công ty nghiệp vụ. Mà công ty này ban đầu là công ty TNHH, C50 cử người góp vốn để tham gia ký kết hợp tác.
Khai tại tòa, Cục trưởng C50 là người chịu trách nhiệm việc thành lập công ty nghiệp vụ. Theo quy định lúc đó, trong nội bộ biết được đó là công ty nghiệp vụ nên không được thảo luận cụ thể tên của công ty này mà chỉ được nói về mặt mô hình. Còn việc sử dụng như thế nào là bí mật của lực lượng công an.
Ông trùm Nguyễn Văn Dương khai đưa tiền cho những ai? Dương khai đã đưa cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD; khai cho ông Hóa 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 người này phủ nhận đã nhận tiền từ trùm đường dây cờ bạc nghìn tỷ.
Đề nghị tòa không công bố bản án lên mạng
Hôm 12/11, trước khi kết thúc phần thủ tục, chủ tọa cho biết theo quy định của TAND Tối cao, bản án sau khi công bố sẽ được công khai lên cổng thông tin điện tử của Tòa án.Tuy nhiên, bị cáo có quyền được từ chối việc đưa bản án công khai. Khi được hỏi về quyền lợi này, ngay lập tức ông Phan Văn Vĩnh giơ tay và đề nghị Tòa không công bố bản án lên cổng thông tin điện tử Tòa án.
Đến sáng 14/11, sau 2 ngày xét hỏi, luật sư bào chữa cho ông Vĩnh đã phải đề nghị HĐXX cho thân chủ rời tòa vào phòng y tế do gặp vấn đề về sức khỏe.
Cũng theo kiến nghị của luật sư, quá trình xét xử, bị cáo 63 tuổi sẽ được uống thuốc để ổn định sức khỏe khi hầu tòa.
Bảo kê đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Cơ quan công tố xác định, sau khi chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa và cấp dưới lập đề án công ty bình phong, ông Phan Văn Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương đến gặp cựu lãnh đạo C50 để thỏa thuận, đưa CNC làm công ty bình phong.
Năm 2015, Phan Sào Nam biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game bài đánh bạc Rikvip. Thực tế, phải vài tháng sau, ông Vĩnh mới ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong.
Quá trình hoạt động, ông Vĩnh thấy công ty bình phong liên kết vận hành chui 2 game đánh bạc, đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game trên. Khi chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ TT&TT xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do CNC phát hành.
Đến khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hoạt động của Công ty CNC và game bài Rikvip, 23dzo mang tính chất đánh bạc trá hình, ông Vĩnh cũng không thực hiện mà còn chỉ đạo chỉnh sửa văn bản để cấp phó ký, trong đó khẳng định 2 game bài trên đã được cấp phép.
Được tặng đồng hồ Rolex là đúng
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã sử dụng một phần lợi nhuận của công ty và một phần lớn tiền thu từ tổ chức đánh bạc để cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD.
Ngoài ra, trùm cờ bạc còn chi tiền Tết cho ông Vĩnh là 150.000 USD, tặng đồng hồ Rolex 7.000 USD. Dương cũng khai nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, với những chai rượu trị giá 100 triệu đồng và nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát với chi phí trên 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Vĩnh không thừa nhận những lời khai trên. Cựu trung tướng cảnh sát chỉ thừa nhận mua đồng hồ Rolex trên và trả cho Dương 1,1 tỷ đồng.
Kết luận điều tra xác định, ông Phan Văn Vĩnh là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, 1 tháng lương với hàm trung tướng là 20 triệu đồng. Số tiền ông Vĩnh khai mua đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, mà phải trả 1,1 tỷ đồng bằng 55 tháng lương (tương đương 4 năm 7 tháng) không chi phí gì. Mặt khác, Dương không phải anh em họ hàng thân thiết. Từ căn cứ trên, Cơ quan An ninh điều tra có đủ cơ sở kết luận ông Vĩnh được Dương cho chiếc đồng hồ Rolex là đúng.
Theo Tri Thức Trực Tuyến